9 hiện vật gốm men trắng triều Lý (TK 11-13) trong sưu tập cổ vật An Biên thể hiện gốm do người Việt sản sinh ra có nét riêng biệt. Bằng trí tuệ, tài năng người thợ Việt đã viết lịch sử đời sống văn hóa xã hội đầy tự hào của dân tộc vào gốm. Loại hình ấm, liễn, đĩa trong sưu tập đã đạt đỉnh cao nghệ thuật chế tác. Kiểu dáng, màu men, họa tiết độc đáo thuần Việt. Mỗi hiện vật là thành quả vật chất, tinh thần ngoài đáp ứng nhu cầu sử dụng còn hàm chứa trong đó tư duy, quan niệm văn hóa xã hội của cả một triều đại.
Thú sưu tầm, chơi cổ vật thì thưởng ngoạn loại hình gốm sứ độc sắc nói chung, gốm men trắng nói riêng thường là người có nghề. Bởi men độc sắc thể hiện nội tâm và sự chiêm cảm. Tìm nét cao sang tinh tế trong lớp men trầm lắng. Cái duyên, cái hồn chứa chan biểu cảm nơi hoa văn ẩn hiện nổi chìm. Ngoài lối chạm khắc, đắp tỉa mềm mại, công phu, văn hoa trau chuốt tinh xảo từng chi tiết trong bố cục đồ án trang trí thì gốm thời Lý còn đậm tính triết lý thể hiện bản sắc văn hóa, dấu ấn thời đại của một nhà nước quân chủ Phật giáo. Đồ họa 9 hiện vật tại đây không riêng mục đích trang trí còn biểu đạt quan niệm cõi giới. Tư tưởng, sắc thái Thiền phóng rọi trong từng hiện vật. Đồ án sử dụng chính, xuyên suốt là hình tượng hoa sen, hoa cúc. Dẫu được cách điệu, biến thể nhằm tăng dáng vẻ, mỹ cảm ta vẫn thấy bóng hình của sóng nước, đài sen, cánh sen, rồng mây làm chủ đạo. Bởi một xã hội đạo Phật là quốc giáo, vị trí Thiền sư ảnh hưởng lớn từ trong triều, ngoại nội. Đạo, đời gắn bó, đan quyện cộng sinh và sự hỗn dung văn hóa dân gian với văn hóa cung đình đã làm phong phú giá trị, nghệ thuật truyền thống văn hóa của nhà nước Đại Việt.
Chỉ 9 hiện vật gốm men trắng trong sưu tập cổ vật An Biên cũng đủ thấy gốm triều Lý thăng hoa đạt đỉnh cao kỹ nghệ chế tác. Sự tác động, ảnh hưởng của Phật giáo như thổi ngọn lửa thiêng để sản phẩm không chỉ có nét thẩm mĩ trực quan mà còn chứa đựng điều huyền nhiệm linh thiêng trong đó. Cổ vật triều Lý sang quý, có hồn và được đánh giá cao là vậy.
Kích hoạt chế độ đọc thuyết minh?